Bạn đang muốn tự học tiếng Đức tại nhà nhưng chưa biết phương pháp nào hiệu quả? Bạn không muốn đến các trung tâm tiếng Đức vì sợ tốn kém chi phí? Hay là bạn chỉ muốn làm quen với tiếng Đức trước khi đi học chính thức? Nếu có những lý do tương tự như trên vậy thì bài viết này là dành cho bạn.
Khi gặp câu hỏi trên, mọi người đều trả lời tiếng Đức khó lắm. Ngữ pháp thì rắc rối. Nghe thì ồm ồm không hiểu gì. Điều này cơ bản là đúng, vì thực tế các bạn học trong thời gian ngắn, chỉ từ vài tháng đến 1 năm. Quá trình này chỉ đáp ứng cho chúng ta giao tiếp tiếng Đức cơ bản và hiểu được một phần khi đối thoại với người khác. Nhưng dần dần sau đó, bạn sẽ quen và thấy tiếng Đức không khó nữa.
Xin chào các bạn! Mình là Phong. Mình sẽ hướng dẫn các bạn học tiếng Đức nhanh và hiệu quả nhất qua bài viết này.
Nếu các bạn cần một lộ trình mang tính cá nhân hoá nhiều hơn, hãy tham khảo chương trình Học tiếng Đức tại Westfalia được thiết kế tối ưu riêng cho từng đối tượng học phổ thông, học đại học, học nghề.
Cách tự học tiếng Đức online cho người mới bắt đầu
Vì là học tiếng Đức miễn phí nên các bạn cần nhiều sự trợ giúp từ các nguồn tài liệu trên mạng, các video, bài giảng của các thầy cô. Song song với đó là chiến lược tối ưu để chinh phục món ngoại ngữ này.
Bước 1: Xác định trình độ bản thân
Nếu bạn có học lực khá, không ngại học ngoại ngữ vậy thì bạn sẽ phù hợp với phương pháp của mình. Tuy nhiên một số em học sinh chỉ có học lực trung bình và kém hơn, chắc chắn phương pháp này hiệu quả không đạt được 100%. Khi đó, mình khuyên bạn nên đến một trung tâm tiếng Đức sẽ tốt hơn.
Bước 2: Đặt mục tiêu tự học tiếng Đức theo các mốc cụ thể
Việc xác định được mục tiêu của mình thế nào trong từng khoảng thời gian sẽ giúp bạn tạo động lực cần thiết. Đừng nghĩ đến những mốc thời gian xa xôi. Hãy tạo một deadline cho tuần này hoặc tuần sau để hiện thực hoá chúng. Và mình sẽ demo một plan cho bạn như sau:
Thời gian học mỗi ngày tùy thuộc vào đam mê và mong muốn của riêng bạn, tuy nhiên không nên ít hơn 3 tiếng. Nếu bạn nào muốn luyện tập phản xạ có thể tăng thời gian học lên nhiều hơn. Tuy nhiên các mốc thời gian như trên là đã ngắn nhất có thể. Không nên học nhanh hơn vì bạn sẽ dễ bị chững ở B1.
Bước 3: Lập thời khoá biểu học tiếng Đức
Để tự học tiếng Đức cho người mới bắt đầu hiệu quả, nhất thiết cần có lịch học quy củ. Bạn nên đề ra sẽ học gì mỗi ngày. Mình có thể đề xuất như sau:
Sáng: Học theo giáo trình 3h
Chiều: Làm bài tập ở Arbeitsbuch 2h
Các bạn không cần học cả 7 ngày/ tuần. Thời khoá biểu trên áp dụng 5 ngày/ tuần là hợp lý.
Bước 4: Chuẩn bị các loại giáo trình tự học tiếng Đức
Bạn sẽ cần nhiều loại tài liệu tiếng Đức trong quá trình học. Tuy nhiên cơ bản sẽ gồm các sách sau:
Giáo trình tự học tiếng Đức A1 đến B1: Nên dùng Schritte International Neu 2016.
Bộ đề luyện thi tiếng Đức các trình độ A1, A2, B1. Đây là file tổng hợp các đề thi của Goethe, TELC cũng như một số trường dạy tiếng bên Đức
Bước 5: Lựa chọn 1 từ điển Đức Việt chất lượng
Một số trung tâm như viện Goethe dạy tiếng Đức nhưng lại không giải thích bằng tiếng Việt. Điều này thường gây khó khăn với các bạn mới học. Thực tế, người ta chỉ nhớ những cái người ta hiểu. Với việc tự học tiếng Đức online thì bắt buộc cần từ điển. Khi học trình độ A1, A2 bạn nên dùng từ điển Đức Việt. Còn sau này học B1 hoặc cao hơn có thể dùng từ điển Đức – Đức để học tốt hơn. Một gợi ý riêng về đại từ điển giấy nên dùng là Từ Điển Đức Việt Deutsch – Vietnamesisch 150,000 từ
Bước 6: Tìm các phần mềm học tiếng Đức miễn phí tốt nhất
Nếu học ngoại ngữ chỉ có tra từ và làm bài tập hẳn sẽ rất chán. Vậy nên bạn cũng cần sắm cho mình vài app học tiếng Đức, hoặc các trò chơi tiếng Đức để giải trí hàng ngày. Khi đó ngôn ngữ sẽ ngấm vào mình tự nhiên hơn. Các ứng dụng học tiếng Đức bạn nên dùng là:
Các phần mềm của viện Goethe trên Appstore và Android Store
App học tiếng Đức cho người mới
Doulingo, Lingohut
Học tiếng Đức + của Bravolol
Để học tập đạt kết quả cao, nhất định không được nóng vội. Sẽ tốt nhất nếu bạn tuân thủ theo các hướng dẫn bên dưới của mình.
Chuẩn bị các tài liệu học tiếng Đức cơ bản online
Sách tiếng Đức A1 Schritte International Neu là đủ cho trình độ này. Khi gặp từ mới bạn nên ghi luôn vào sách. Sau này có quên đọc lại là nhớ, không cần phải tra từ nữa. Còn các bài tập thì họ đã nêu yêu cầu ở đề bài, cứ theo đó mà làm.
Lưu ý: Học ngoại ngữ cơ bản là bạn nhớ được từ đó là gì và sau đó có thể sử dụng lại. Nên không cần phải đoán nghĩa của từ, cứ tra cho chuẩn và sau dùng thường xuyên là được.
Cách tự học tiếng Đức trong 30 ngày trình độ A1
Học bảng chữ cái tiếng Đức và cách phát âm
Bảng chữ cái tiếng Đức và cách phát âm dễ hiểu
Học từ vựng tiếng Đức cơ bản đi đôi với ngữ pháp tiếng Đức
Nhiều người học tiếng Đức nhưng lại sợ ngữ pháp của nó vì lằng nhằng. Điều này không hoàn toàn sai nhưng chưa đủ. Nếu bạn chỉ học ngữ pháp thì cũng không giao tiếp được. Điều quan trọng là bạn có vốn từ dày, ứng biến được trong nhiều trường hợp. Vậy nên đừng quá chú trọng vào ngữ pháp, hãy học song song cả 2 yếu tố đó. Và bạn sẽ khám phá ra rằng, học từ vựng là học luôn cả ngữ pháp.
Học tiếng Đức qua hình ảnh
Đây là cách giúp bạn ghi nhớ rất tốt. Có nhiều quyển sách học tiếng Đức qua hình ảnh khá nổi tiếng như: PONS Bildwörterbuch Deutsch als Fremdsprache hay là Bildwörterbuch Deutsch: Die 1.000 wichtigsten Wörter của NXB Hueber. Mình rất khuyến khích cách học này ở trình độ A1, đem lại cảm hứng học hơn.
Luyện nghe tiếng Đức A1 ngay từ bước đầu
Nghe là kỹ năng mưa dầm thấm lâu nên phải nghe nhiều, ngay từ những buổi đầu tiên. Chúng ta cần quen với âm thanh của người Đức, cách họ nhấn nhá, lên xuống cũng như phát âm riêng mỗi vùng.
Kinh nghiệm học tiếng Đức A1 online
Trong giai đoạn mới làm quen này bạn nên học từng từ theo như sách, không nên lan man nghĩ tới học những cấu trúc lạ, những trường hợp ngữ pháp ở bậc cao. Cứ từ từ rồi sẽ học đến. Điều quan trọng là phải nhớ được những gì mình đã học, chứ không phải biết nhiều rồi sau lại quên.
Còn đây là bài tập kiểm tra trình độ ngữ pháp tiếng Đức A1 của bạn đã tốt chưa: Grammatik Test A1
Checklist sách tiếng Đức A2
Chúng ta tiếp tục với Schritte International Neu A2. Và ở trình độ này bắt đầu có nhiều hiện tượng ngữ pháp phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi bạn cần phải sử dụng thêm 1 quyển sách ngữ pháp. Mình gợi ý Grammatik aktiv: A1-B1, rất phù hợp vừa ôn lại A1, vừa học nâng cao A2 và B1 sau này.
Phương pháp học tiếng Đức hiệu quả trình độ A2
Lời khuyên của mình cho các bạn “não cá vàng” đó là hãy ghi thật nhiều. Ghi ra giấy, ra vở, vào sách, Sau đó có thể dán chúng lên tường hoặc các đồ vật hay sử dụng. Khi viết chúng ta có cử động ở tay, tác động lên não bộ và trí nhớ sẽ được cải thiện.
Làm thêm các bài tập chuyên sâu vào ngữ pháp
Lưu ý rằng A2 chiếm hơn 50% ngữ pháp tiếng Đức cơ bản. Nếu học chắc phần này, thì khi học sang B1 bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Các bạn nên chia ra mỗi ngày học 1 phần ngữ pháp để hiểu sâu hơn. Không nên tham “đốt cháy giai đoạn”.
Chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Đức A2
Với bản thân mình khoảng thời gian này đòi hỏi bạn vẫn bám sát theo giáo trình, chăm chỉ viết bài và làm đầy đủ bài tập là được. Bạn có thể tìm thêm các dạng bài trên mạng để hỗ trợ. Một số trang web học tiếng Đức miễn phí hữu ích là:
https://www.deutsch-lernen.com/
https://deutschlernerblog.de/
doulingo.com
Bài tập kiểm tra trình độ A2
Bài tập kiểm tra trình độ ngữ pháp tiếng Đức A2 gồm 90 câu rất đầy đủ: Grammatik Test A2
Chúng ta sắp đạt được mục tiêu rồi, và giờ là lúc cần tăng tốc hơn.
Danh sách các thứ cần chuẩn bị để học B1 tiếng Đức
Giáo trình Schritte International Neu B1, Sách ngữ pháp Grammatik Aktiv A1-B1 và theo quan điểm cá nhân mình bạn nên dùng thêm 1 giáo trình B1 nữa, có thể là hoặc . Trong nhiều lớp học mình đã áp dụng phương pháp 2 Giáo Trình, và các bạn đều học chắc hơn hẳn. Nguyên lý của phương pháp này là “làm nhiều thì sẽ giỏi”.
Lên nội dung học tập chi tiết
Học từ vựng tiếng Đức kết hợp với ngữ pháp tiếng Đức B1
Vẫn giống như A2, tuy nhiên phần này khối lượng từ vựng sẽ dày đặc hơn, đặc biệt các câu sẽ dùng nhiều nghĩa bóng, động từ tách hay cụm động từ đi với giới từ (Verben mit Praepositionen). Trong các bài đọc bạn nên gạch chân các cụm từ “đắt giá”, bóng bẩy để sau này sử dụng sẽ rất dễ ăn điểm.
Học cách tả tranh, kể lại câu chuyện và xây dựng hội thoại
Một dạng bài rất hay đó là tả tranh. Mỗi khi thấy một bức ảnh nào đó thú vị, bạn nên nhìn ngắm và tả lại bằng tiếng Đức sao cho sát với bức hình nhất. Bên cạnh đó việc kể lại câu chuyện theo trình tự thời gian cũng như tự làm hội thoại sẽ hỗ trợ mình có thêm ý tưởng và dễ dàng ứng dụng vào thực tế giao tiếp hơn.
Tìm những người bạn học tiếng Đức giao tiếp online
Phim ảnh cũng như các video hài là một nguồn tài nguyên từ vựng siêu phong phú. Hãy thử làm quen bằng việc xem các phim ngắn, rồi đến phim dài tập. Trong khi xem nếu thấy từ mới hãy nhẩm theo, ghi lại và tra cứu sau. Đảm bảo chỉ trong thời gian ngắn bạn sẽ thấy khả năng nghe hiểu của mình tiến bộ rõ rệt.
Sau khi học hết B1, chúng ta bắt đầu vào bước luyện thi lấy chứng chỉ. Có nhiều loại chứng chỉ tiếng Đức như Zertifikat Deutsch Goethe, Oesd, TELC. Đối với riêng mỗi loại bài Test, chúng ta cần phải biết dạng đề thi mới có chiến lược ôn thi phù hợp. Ở đây mình sẽ hướng dẫn luyện thi tiếng Đức B1 của Goethe Institut
Tự học tiếng Đức: Thi B1 cần chuẩn bị gì?
Đầu tiên bạn sẽ cần mua một quyển bộ đề thi: Zertifikat B1 neu: 15 Übungsprüfungen. Quyển sách này gồm 15 bài thi đầy đủ 4 kỹ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết. Các bạn cứ ôn hết số đề thi này là hoàn toàn yên tâm rồi. Nếu vẫn cảm thấy chưa đủ, hãy sắm thêm Hören & Sprechen B1 hoặc So geht’s noch besser A2-B1
Lên lịch tự học tiếng Đức ôn thi B1
Các bạn nên chia thời gian hàng ngày và ôn theo từng kỹ năng. Ví dụ: Sáng ôn nghe nói, chiều ôn đọc viết và ngược lại. Mỗi ngày nên dành 6 tiếng để ôn toàn bộ 4 kỹ năng này. Mỗi kỹ năng có vài thủ thuật riêng mà chúng ta có thể tham khảo để gỡ điểm. Ở dưới mình không đi sâu vào giải đề, vì mình sẽ làm điều đó trong bài viết tiếp theo. Mình chỉ nêu ra 1 số lưu ý để các bạn cân nhắc sử dụng trong quá trình ôn thi B1.
Kỹ năng đọc đòi hỏi vốn từ rộng và chắc. Điều đó được tích góp trong thời gian dài học tiếng Đức. Tuy nhiên nếu vốn từ bạn yếu hãy chú ý các điểm sau:
+ Với dạng bài Teil 1: Nên đọc lướt 1 lần để hiểu nội dung. Sau đó gạch chân từ khoá (Keywort) ở mỗi đáp án, sau đó đối chiếu lên trên bài để tìm từ đồng nghĩa/ trái nghĩa, từ gần nghĩa hoặc những cấu trúc tương đương. Các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo dòng bài đọc trên xuống dưới chứ không để lung tung.
+ Với dạng bài Teil 2: Bạn nên làm câu hỏi số 8-9 và 11-12 trước. Câu số 7 và 10 nên để sau vì cần đọc cả bài mới biết chính xác đáp án. Hãy gạch chân các từ khoá và so lên bài.
+ Với dạng bài Teil 3: Dạng bài ghép nối này thường xảy ra 2 trường hợp: một là bạn đúng gần hết và hai là bạn sai gần hết. Vì thế hãy đọc kỹ các lựa chọn, gạch chân tất cả các từ quan trọng. Hãy khớp từng thông tin vào mỗi Anzeige. Nếu càng nhiều dữ liệu trùng khớp thì khả năng bạn đúng rất cao. Lưu ý: Hãy làm những câu dễ trước, phương án nào không chắc để lại làm sau.
+ Teil 4: Bạn đọc kỹ từng ý kiến của các nhân vật, và nếu có ít nhất 2 ý trở lên trong bài nghiêng về ja (nein) thì có thể lựa chọn đáp án rồi.
Luôn chú ý 1 điều: Đọc thật kỹ đề bài, làm xong cũng nên kiểm tra lại cho chắc.
+ Aufgabe 1: Đây là bài viết thư cơ bản, chỉ cần bám sát yêu cầu đề bài là được.
+ Aufgabe 2: Bạn cần đưa ra ý kiến của mình về một Kommentar nào đó trên mạng. Bạn đồng ý với tác giả hay không, không quan trọng. Điểm mấu chốt bạn cần đưa ra các quan điểm bảo vệ cho luận điểm của mình một cách logic và thuyết phục.
+ Aufgabe 3: Viết thư xin lỗi, cám ơn về điều gì đó. Cái này không khó, bạn viết thư như A2 là được.
Achtung! Để một bài viết đạt điểm cao, bạn cần kết hợp các yếu tố sau:
Hạn chế lỗi ngữ pháp
Các câu văn có tính liên kết, có sử dụng từ nối
Nên dùng thêm Konjunktiv 2, Cụm động từ + Praeposition, Cụm danh từ có kèm tính từ, mệnh đề quan hệ, …
+ Teil 1: Cùng người bạn lên kế hoạch cho 1 sự kiện hoặc 1 công việc sắp tới, có thể là bữa tiệc, buổi học nhóm hoặc chương trình giao lưu văn hoá. Điều quan trọng là bạn hiểu đối tác nói gì, trả lời được, và có thể đưa thêm ra các ý tưởng mới đóng góp vào kế hoạch đó.
Trong khi thuyết trình đối tác sẽ nghe, phản hồi lại quan điểm của bạn và cũng đặt câu hỏi cho bạn. Hãy lắng nghe và trả lời trọng tâm vào câu hỏi đó.
Yêu cầu: Giống như phần Viết B1, có thể khi nói sẽ có lỗi. Tuy nhiên thà nói sai còn hơn không nói, nói sai bị trừ điểm, còn không nói thì không được điểm.
Kỹ năng nghe thường là khó, đánh trượt nhiều bạn nhất. Để nghe tốt tiếng Đức không phải một sớm một chiều, bạn cần có đủ từ vựng và quen với cách phát âm của người Đức. Hãy dành thời gian nghe mỗi ngày 1-2 tiếng. Nghe tin tức, phim ảnh, xem youtube là phương án khá hữu hiệu. Đừng chỉ ôn bài trong giáo trình tự học tiếng Đức, có thể vẫn chưa đủ đâu.
Phần này Tipps của mình chỉ là nghe nhiều, sau đó xem lại Transkript và kiểm tra xem nghe hiểu chính xác chưa. Tiếp đến chép lại và nghe lại cho quen âm thanh.
Một số mẹo khi thi B1 tiếng Đức
Từ khoá, từ khoá và từ khoá
Hãy chú ý vào các từ khoá của các phương án, đâu đó trong bài bạn sẽ đọc/ nghe thấy chúng. Nếu không có cơ sở nào khác thì cứ chọn phương án đó, bạn có thể sẽ ghi điểm
Dùng phương pháp loại trừ
Trong đề thi thường có 3 câu, 1 đúng và 2 sai. Chọn câu đúng tỷ lệ là 33%, nhưng chọn câu sai thì sẽ là 66%. Vậy nên nếu không biết đáp án đúng, hãy loại trừ các phương án sai nhiều nhất có thể
Một điều khá kỳ lạ là rất nhiều bạn đi thi quên không tô đáp án. Nếu bạn không biết câu nào đúng, hãy cứ làm bừa, ít ra vẫn có tỷ lệ tick vào phương án chính xác.
Hãy viết/ nói những gì mình chắc chắn đúng
Hãy tập cách tư duy như người Đức, luyện tập chắc các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng phù hợp trong khi thi. Thay vì nói dài, nói dai, nói dại – hãy nói những gì mình biết chắc là đúng. Học thuộc lòng là phương pháp tốt dành cho một số bạn.
Các cơ hội việc làm tiếng Đức sau khi có bằng B1
Với tầm bằng B1 tiếng Đức trong tay, bạn có thể tự tin lựa chọn các mục tiêu khác nhau, cơ hội có thu nhập cao không còn xa nữa.
Du học Đức hoặc học nghề ở Đức
B1 là điều kiện chung để các em học sinh xin visa du học Đức hoặc học nghề tại Đức. Tất nhiên bên cạnh đó cũng còn một số thủ tục khác nữa, tuy nhiên không quá phức tạp.
Tìm việc làm tiếng Đức tại Việt Nam
Nếu bạn muốn tiếp tục ở Việt Nam để làm việc, có thể tham khảo làm trợ giảng tiếng Đức, tư vấn du học Đức hoặc làm việc trong các công ty của Đức. Trong thời gian này, bạn có thể tranh thủ học lên B2 để tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn.