--- Bài mới hơn ---
Quy Trình Và Cách Xử Lý Tình Huống Trong Nhà Hàng, Khách Sạn
7 Vấn Đề Mọi Nhà Hàng Đều Gặp Phải
Giải Quyết Vấn Đề Bẫy Mỡ Trong Các Nhà Hàng
Cách Giải Quyết Các Vấn Đề Xảy Ra Trong Quá Trình Đặt Bàn Tại Nhà Hàng
Cách Giải Quyết Vấn Đề Từ Góc Nhìn Của Trẻ
Già hóa dân số trên thế giới, trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ không chỉ là vấn đề y tế hay an sinh xã hội, mà trước hết đó còn là vấn đề kinh tế nếu tốc độ già hóa quá nhanh. Điều này đôi khi được gọi là “già hóa siêu tốc” và kết quả là tỷ số phụ thuộc già tăng nhanh đáng kể. Vậy làm thế nào để giải quyết “vấn đề dân số già” trong dài hạn mà không phải nâng mức sinh, cũng không khuyến khích nhập cư.
Chấp nhận xu hướng dân số già hóa
Tại hầu hết quốc gia trên thế giới, người dân sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn so với một thế kỷ trước. Tuổi thọ tăng lên cùng với quá trình giảm sinh dẫn tới già hóa dân số, có nghĩa là số lượng người lớn tuổi ngày càng tăng ở các quốc gia (đặc biệt là ở các nước phát triển) so với số lượng dân số trẻ hơn trong độ tuổi làm việc – những người được coi là sẽ “hỗ trợ” người lớn tuổi khi về già.
Theo Luật người cao tuổi Việt Nam, người cao tuổi (NCT) là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Nhóm dân số 60+ tăng hơn 50%, từ 6,1 triệu người năm 1990 lên 9,4 triệu vào năm 2014 và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng dân số, tương ứng từ 8% lên 10,4% (TCTK, 2014). Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011.
Tuy nhiên, khi xem xét vấn đề già hóa dân số có hai vấn đề ít được quan tâm. Thứ nhất, những người trẻ tuổi rồi cũng sẽ già và cần được hỗ trợ. Thứ hai, việc tăng mức sinh để trì hoãn già hóa sẽ dẫn đến tăng dân số. Vì vậy, không có sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận và “chào đón” dân số già.
Thay đổi cách nhìn nhận về ngưỡng tuổi già
Hiện nay, trên toàn thế giới con người có cuộc sống khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Trong vòng 30 năm kể từ 1979, tuổi thọ tăng từ 66,1 tuổi lên 73,2 tuổi năm 2009. Kết quả là cùng với giảm mức sinh, số lượng và tỷ lệ NCT tăng nhanh.
Khi phân tích về già hóa, có thể chia dân số già thành 2 nhóm, 60-69 tuổi và 70+. Số liệu cho thấy, tỷ lệ dân số nhóm 60-69 tuổi không biến động nhiều nhưng tỷ lệ người 70+ tăng gấp 2 lần, từ 2,8% năm 1979 lên 4,5% năm 2009. Như vậy, càng ngày càng có nhiều người “sống thọ” hơn.
Thế nào là người cao tuổi? Điều này hoàn toàn phụ thuộc quan niệm của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, xem xét sự biến đổi tuổi thọ có thể thấy tuổi thọ tăng lên nhanh chóng trong thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI và sẽ tiếp tục tăng, vì vậy cần xác định lại “ngưỡng tuổi già”.
Xác định lại tỷ số phụ thuộc trên thực tế Về góc độ dân số, hàm ý về tỷ số phụ thuộc là số dân ngoài độ tuổi làm việc (cả phụ thuộc trẻ và già) chia cho dân số trong độ tuổi lao động (LĐ) – nhóm mà về mặt lý thuyết được gọi là nhóm hỗ trợ. Tỷ số hỗ trợ tuổi già là dân số trong độ tuổi làm việc chia cho dân số trên độ tuổi làm việc.
Người phụ thuộc rơi vào nhiều loại, bao gồm những người cần nuôi dưỡng, chăm sóc và cả những người bệnh, tàn tật, thất nghiệp…vv. Có nhiều quy ước về người phụ thuộc nhưng hai nhóm đơn giản thường được các nhà nhân khẩu học sử dụng: Người phụ thuộc trẻ là những người trong độ tuổi 0-14 và người phụ thuộc già là những người 65 tuổi trở lên (TCTK, 2011). Những người ở độ tuổi 15-64 được coi là người hỗ trợ tiềm năng.
Bảng 1. Tỷ số phụ thuộc ở Việt Nam, 1989-2013
Nguồn: TCTK, Điều tra biến động DS-KHHGĐ 2013.
*Tính toán từ Tổng điều tra dân số 1979.
Tỷ số phụ thuộc chung của nước ta có xu hướng giảm nhanh, từ 86,6% năm 1979 xuống 46,0% năm 2013. Do giảm mức sinh dẫn đến giảm tỷ số phụ thuộc trẻ. Bên cạnh đó, tuổi thọ tăng nên tỷ số phụ thuộc già tăng. Tuy nhiên, kết quả trên mới chỉ thể hiện tỷ số phụ thuộc theo quyước. Để xem xét mức phụ thuộc thực tế cần so sánh số người thực sự tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) với nhóm dân số tuổi 15-64.
Quy mô dân số 15-64 tuổi và lực lượng lao động (LLLĐ) tăng trong suốt những năm qua, mặc dù sự khác biệt về số lượng giữa 2 nhóm này giảm dần nhưng vẫn rất lớn. Năm 2009, LLLĐ ít hơn quy mô dân số 15-64 gần 10 triệu người thì tới năm 2013, con số này vẫn còn tới 8,4 triệu. Nếu tính riêng tỷ số phụ thuộc của nhóm không tham gia hoạt động kinh tế (HĐKT) so với LLLĐ thì con số này cao hơn gần 1,5 lần so với tỷ số phụ thuộc tính toán theo quy ước được công bố (tương ứng 67,8 so với 46,0 năm 2013). Như vậy, tỷ số phụ thuộc thực tế cao hơn rất nhiều so với tính toán theo quy ước.
Giảm tỷ số phụ thuộc
Để đối phó với già hóa dân số, có thể tăng mức sinh, tuy nhiên cũng phải chờ ít nhất sau 15 năm số người ra nhập LLLĐ mới tăng lên, điều này có thể làm giảm phụ thuộc già trong tương lai nhưng ngay lập tức lại làm tăng phụ thuộc trẻ và kéo theo hậu quả là quy mô dân số gia tăng.
Khuyến khích những người trong độ tuổi LĐ nhập cư sẽ làm giảm phụ thuộc nhưng chính người nhập cư cũng già đi, trừ khi là họ bị buộc phải rời khỏi đất nước trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Đây là chính sách nhập khẩu LĐ mà một số quốc gia có dân số già chiếm tỷ lệ cao như châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc đang áp dụng. Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu LĐ.
Nếu người LĐ là người di cư nội địa, khi họ đến tuổi nghỉ hưu trở về quê sẽ làm tăng tỷ số phụ thuộc già cục bộ tại nơi xuất cư, suy rộng trên bình diện quốc gia thì vấn đề dân số già vẫn không được giải quyết.
Vậy làm thế nào để giảm tỷ số phụ thuộc, đặc biệt là tỷ số phụ thuộc già ở Việt Nam? Thúc đẩy nhập cư hoặc tăng mức sinh cao hơn để duy trì một tỷ số phụ thuộc ổn định là không bền vững và phản tác dụng vì các yếu tố này đều làm tăng dân số và cuối cùng cũng vẫn sẽ làm tăng số lượng người phụ thuộc trong tương lai.
Theo thời gian, dường như không phụ thuộc vào quy định về tuổi nghỉ hưu vẫn có một số lượng lớn người trên 60 tuổi (theo quy ước được gọi là già), đặc biệt là nhóm “già cận trên” (60-64) tham gia HĐKT và chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong LLLĐ.
Trong những năm gần đây số người ở nhóm tuổi 60-64 tham gia HĐKT ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Năm 2009 mới chỉ có 1,33 triệu người ở nhóm tuổi 60-64 tham gia LLLĐ, đến năm 2013 con số này đã tăng lên 2,14 triệu, chiếm tỷ lệ tương ứng 2,7% và 4% trong LLLĐ. Có thể thấy, nhóm 60-64 tham gia HĐKT không ngừng tăng cả về số tuyệt đối lẫn tương đối và không có lý do gì để quá trình này không nên tiếp tục, cùng với việc kéo dài thời gian làm việc sẽ góp phần giải quyết “vấn đề” già hóa dân số.
Một trong những tác động tiêu cực làm gia tăng tỷ số phụ thuộc thực tế là thất nghiệp và thiếu việc làm. Trong giai đoạn 2009-2013, số người thiếu việc làm giảm nhanh nhưng số người thất nghiệp chỉ giảm nhẹ. Hiện nay Việt Nam vẫn có khoảng trên 1 triệu người thất nghiệp và 1,3 triệu người thiếu việc làm (Bảng 2).
Bảng 2. Số người thất nghiệp và thiếu việc làm, Việt Nam, 2009-2013 Đơn vị tính: Triệu người
Nguồn: TCTK, Điều tra lao động-việc làm 2009-2013.
Như vậy, cùng với việc khuyến khích NCT tham gia HĐKT, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, góp phần duy trì số lượng lao động trong nền kinh tế thì tạo việc làm nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu việc làm và giảm thiểu thất nghiệp cũng là những giải pháp góp phần giảm tỷ số phụ thuộc chung bao gồm cả phụ thuộc già.
Điều chỉnh lương hưu và mức đóng bảo hiểm xã hội một cách thận trọng
Cùng với tuổi thọ cao hơn, tỷ lệ người phụ thuộc già sẽ tăng lên, nhưng có một cuộc sống khỏe mạnh hơn là thành tựu chứ không phải làgánh nặng. Phần lớn những quan ngại gần đây về “vấn đề từ dân số già” thường chỉ tập trung vào một phần của bức tranh, chẳng hạn như chi phí lương hưu. Vấn đề là liệu những năm sống tăng thêm cần được hỗ trợ về tài chính của người già có được đảm bảo không?
Thách thức đối với bảo hiểm xã hội (BHXH) là tình hình tài chính sẽ không bền vững nếu an sinh xã hội, chăm sóc và chi tiêu y tế khác, cùng với các khoản thanh toán của Chính phủ không được kiểm soát. Việc tăng tuổi thọ hiện tại và trong vài thập kỷ tới không phải là khó để dự đoán, nhưng nhiều chuyên gia tính toán bảo hiểm và trợ cấp hưu trí luôn thất bại trong việc xác định mức trích nộp lương hưu cần phải có cho các quỹ hưu trí.
Đứng trước nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) do già hóa dân số (Ngọc Dung, Vĩnh Tùng, 2014), đã có rất nhiều đề xuất như giảm mức chi trả lương hưu và tăng tuổi nghỉ hưu. Mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành Luật BHXH ngày 20/11/2014, với một số giải pháp cơ bản là giảm mức chi trả lương hưu và quy định mức trần đóng bảo hiểm. Đây là điểm ưu việt của Luật BHXH mới khi “Quy định mức trần để tránh chênh lệch quá xa giữa những người nghỉ hưu”, theo như nhận định của ông Đỗ Văn Sinh, Phó giám đốc BHXH Việt Nam (Thùy Dung, 2014).
Có thể thấy, chính sách BHXH của Việt Nam đã hình thành mặc dù chưa đủ nhanh và lại không phải xuất phát từ dư lợi nguồn LĐ mà do áp lực của việc vỡ quỹ bảo hiểm, vì vậy trong quá trình thực thi nhằm giải quyết vấn đề già hóa dân số, nếu thấy cần vẫn phải điều chỉnh lại chính sách.
– Già hóa dân số sẽ tạo thêm áp lực lên công tác chăm sóc sức khỏe NCT (gánh nặng bệnh tật), hệ thống an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Thách thức do dân số già không thể được giải quyết bằng cách tăng dân số vĩnh viễn, vì dân số cứ tiếp tục tăng là không thể trong một thế giới hữu hạn.
– Có thể trì hoãn già hóa và ổn định dân số bằng cách khuyến khích tỷ lệ sinh cao hơn hoặc tăng nhập cư, tuy nhiên, trì hoãn một dân số đang già hóa là cả một “vấn đề” và có khả năng sẽ làm cho nó tồi tệ hơn bởi việc bổ sung những người trẻ tuổi sau này khi họ về già cũng sẽ làm tăng số người phụ thuộc. Người trẻ hôm nay sẽ trở thành người già trong tương lai và do đó LLLĐ của ngày hôm nay sẽ là người phụ thuộc của ngày mai.
– Quan niệm về sự phụ thuộc già về kinh tế tập trung quá hẹp vào tỷ lệ NCT trong dân số, trong khi phụ thuộc của các nhóm không HĐKT khác đã bị bỏ qua.
– Tăng tỷ số “hỗ trợ” của LLLĐ cho người phụ thuộc có thể được cải thiện đáng kể bằng cách giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm, khuyến khích NCT có khả năng LĐ tiếp tục tham gia HĐKT và tăng tuổi hưu trí phù hợp trong bối cảnh tuổi thọ tăng. Điều này cũng sẽ làm giảm bớt thâm hụt lương hưu.
– Đối với một số người LĐ, đặc biệt là những người có mức lương thấp và sức khỏe bị hao mòn bởi những năm tháng LĐ nặng nhọc dẫn tới tăng chi phí khám chữa bệnh sau khi nghỉ hưu thì lương hưu sau này sẽ có vẻ đi ngược lại lời hứa. Giải pháp về vấn đề già hoá dân số cần phải linh hoạt và nhân đạo.
– Ngọc Dung, Vĩnh Tùng (2014). Tăng tuổi nghỉ hưu để né vỡ quỹ BHXH. – Thùy Dung (2014). Giảm lương hưu để cân đối quỹ BHXH.
– ADB (2012). Pension systems in East and Southeast Asia: Promoting fairness and sustainability.
http://nld.com.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-de-ne-vo-quy-bhxh-20140513220742666.htm. Truy cập ngày 5/9/2015.
– Quốc hội (2014). Luật Bảo hiểm xã hội
http://www.thesaigontimes.vn/121957/Giam-luong-huu-de-can-doi-quy-BHXH-(!).html. Truy cập ngày 5/9/2015. – UN (2013). World population ageing 2103, page 11.
– UNFPA (2011). Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách. Trang 17.
--- Bài cũ hơn ---
Nhật Bản Tăng Độ Tuổi Lao Động Để Giải Quyết Vấn Đề Già Hóa Dân Số
Già Hóa Dân Số: Thách Thức Lớn
Vấn Đề Già Hóa Dân Số Ở Các Nước Phát Triển
Giải Pháp Nào Ứng Phó Già Hóa Dân Số?
Triết Học Là Gì ? Phân Tích Nội Dung Cơ Bản Của Vấn Đề Cơ Bản Của Triết Học ? Từ Đó Xác Định Vai Trò Của Triết Học Trong Đời Sống Xã Hội