Vẽ tượng bằng bút chì là 1 nội dung học không thể thiếu đối với những người đi theo con đường hội họa nói chung và những bạn trẻ đang áp ủ ước mơ thi vào các trường mỹ thuật, kiến trúc,… nói riêng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho các bạn cách vẽ tượng bằng bút chì.
Bước 1:
– Để vẽ tượng bằng bút chì, đầu tiên ta phác ra ba vị trí đầu tiên đó là đỉnh đầu, cằm, đáy tượng. Vì đang vẽ góc nghiêng nên tự canh vị trí vẽ mẫu sao cho không gian phía trước mặt hơi nhiều hơn không gian phía sau đầu một chút.
– Từ đấy ta bắt đầu đo tỉ lệ phần chân dung trước, dựa vào tỉ lệ chuẩn để tùy biến cho phù hợp với tỉ lệ của chân dung tượng sao cho gần giống với mẫu nhất.
– Khi đã có được các tỉ lệ dọc của tượng (phần ưu tiên đo kỹ khi vẽ tượng bằng bút chì), ta bắt đầu dựa vào tỉ lệ dọc để so sánh qua các tỉ lệ ngang, bao gồm các chiều ngang sau:
1. Chiều ngang từ đuôi mắt trái – đuôi mắt phải;
2. Chiều ngang của phần xương gò má trái – xương gò má phải;
3. Chiều ngang của quai hàm trái – quai hàm phải.
4. Chiều ngang của xương thái dương trái – xương thái dương phải.
– Có được các tỉ lệ ngang cần thiết, ta có thể phác ra các phần còn lại bao gồm tỉ lệ cổ & tỉ lệ bệ. Sau đó ta bắt đầu chia diện & phân sáng tối cho tượng.
– Nên đi sâu vào khắc họa chi tiết ngũ quan – đặc biệt là đôi mắt, để bài vẽ tượng bằng bút chì thêm sống động.
– Lưu ý là do tượng có nhiều chi tiết nên một số bạn có thói quen lược bớt chi tiết để đơn giản mẫu, nhưng như vậy là sai bởi vì nếu bỏ bớt chi tiết, bài vẽ tượng bằng bút chì sẽ không còn nhìn ra tượng nữa. Như vậy sẽ rất tai hại bởi vì dựa vào đấy mà điểm số không thể nâng cao lên được. Cho nên có một lời khuyên dành cho các thí sinh là vẽ những gì mình quan sát thấy.
Bước 2:
Sau khi hoàn thiện bước 1 của bài vẽ tượng bằng bút chì, chúng ta cần đánh khối cho tượng.
– Để ý chì luôn chuốt nhọn vừa phải thường xuyên, đan nét theo chiều của vật thể để tạo khối khỏe và mạnh hơn.
– Có thể vẽ nền ngay từ đầu trước khi vẽ khối hoặc vẽ khối xong vẽ nền vào sau cũng được. Chú ý đánh nét đậm từ trong góc đánh ra.
– Chú ý các chỗ đầu xương như thái dương, gò má, hốc mắt, đáy mũi, môi trên, cơ vòng môi, cạnh cằm, đỉnh khối của bệ, bóng đổ của tượng & bóng đổ của cằm xuống cổ nên hơi nhấn một chút để tạo chiều sâu cho bức tượng khi vẽ tượng bằng bút chì.
– Khi đã có sáng tối lớn rõ ràng, lưu ý câu “gần rõ – xa mờ” để tăng đậm các diện sao cho đúng quy luật viễn cận. Đi sâu vào chi tiết ngũ quan nhớ liên hệ lại cấu trúc khối theo dạng căn bản để dễ hình dung khối hơn.
– Đánh bóng theo chiều của khối để khối nhìn mạnh & khỏe.
Bước 3:
– Khâu cuối cùng khi vẽ tượng bằng bút chì là hoàn thiện khối. Ở bước này lưu ý phản quang của mặt tối không nên quá sáng mà chỉ chuyển độ nhè nhẹ. Độ đậm của nền & bóng đổ phải rõ ràng đồng thời tách hẳn ra khỏi mặt tối càng tốt. Độ đậm của đỉnh khối qua mặt mờ & từ mặt mờ đến mặt sáng nên chuyển độ càng êm càng tốt, vẫn luôn phải thường xuyên đánh bóng theo chiều của khối nhằm đảm bảo vẫn giữa được độ cong của vật thể.
– Để đảm bảo sắc độ được tăng giảm – điều chỉnh đúng cách, nên tập thói quen để bài ra xa, đặt bài vẽ dưới mẫu nhằm so sánh trực tiếp, như vậy ta sẽ dễ nhìn ra lỗi sai của mình hơn để chỉnh sửa kịp thời.